Trước bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến hoạt động xuất khẩu gặp khó, nhiều ý kiến chuyên gia lo ngại sự sụt giảm của các mặt hàng chủ lực có thể dẫn đến việc Việt Nam đánh mất thị trường xuất khẩu. Thứ trưởng có ý kiến gì xung quanh vấn đề này?
Việc xuất khẩu suy giảm đến từ nhu cầu tiêu dùng giảm trên toàn cầu. Tất cả quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc, liên quan đến xuất khẩu đều chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo số liệu thống kê từ Trading Economics, cường quốc xuất khẩu Trung Quốc (quốc gia bắt đầu mở cửa mạnh mẽ trở lại từ đầu năm 2023 sau thời gian dài đóng cửa) trong 5 tháng đầu năm đạt 1.400,75 tỷ USD, giảm 0,28% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu của Thái Lan giảm 5,26%, Singapore giảm 8,8%.
Tuy nhiên, chưa thể nhìn nhận sự sụt giảm kim ngạch giai đoạn đầu năm dẫn tới đánh mất thị trường xuất khẩu, nhất là khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có một thời gian dài thâm nhập, tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu tại thị trường đối tác, kể cả thị trường khó tính như Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada …
Ngoài ra, việc Việt Nam là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với một khu vực thị trường rộng lớn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong tương quan với quốc gia khác.
Minh chứng cho nhận định này là xu hướng thời gian gần đây trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn đã chọn Việt Nam là “cứ điểm” sản xuất, kinh doanh mới.
Chính các dự án mới này khi được hoàn thiện, đưa vào vận hành sẽ là nguồn bổ sung lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi các tập đoàn đa quốc gia đã có sẵn mạng lưới phân phối và tập khách hàng lớn trên toàn cầu.
Theo tôi, thời gian tới, khi chu kỳ kinh tế chuyển sang một giai đoạn tích cực hơn, tiêu dùng phục hồi, xuất khẩu của Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng tích cực.
Trong bức tranh xuất khẩu, doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở hầu khắp thị trường truyền thống. Vậy trong bối cảnh này, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cần được tính toán thế nào, thưa Thứ trưởng?
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua dù tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu thị trường xuất khẩu và kể cả nhập khẩu vẫn chưa cân đối. Tính riêng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tất nhiên, Hoa Kỳ là thị trường có sức tiêu dùng lớn hàng đầu thế giới nên việc hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng tốt ở thị trường đòi hỏi chất lượng cao này là tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, rõ ràng là việc phụ thuộc vào một số thị trường cũng đặt xuất khẩu vào tình thế khá rủi ro khi gặp những biến động bất thường.
Để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó, có việc chủ động đàm phán thành công nhiều FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại cũng được đổi mới về phương thức hoạt động và triển khai. Bên cạnh việc duy trì hoạt động xúc tiến ở những thị trường truyền thống, Bộ Công Thương còn triển khai tại nhiều thị trường mới, tiềm năng như thị trường Australia, Canada, Trung Đông, châu Phi…
Điển hình trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khi một số thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc gặp ảnh hưởng nặng nề, tăng trưởng của xuất khẩu đã được bù đắp bởi việc tăng xuất khẩu sang các thị trường thay thế.
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang tích cực chỉ đạo cơ quan Thương vụ tìm kiếm, kết nối nhu cầu tiêu thụ tại những thị trường ít chịu ảnh hưởng hơn như ASEAN.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy nhanh tiến độ đưa vào thực thi các FTA đã hoàn tất đàm phán. Cụ thể như FTA Việt Nam và Isarel, Vương quốc Anh gia nhập CPTPP và nỗ lực để thúc đẩy đàm phán FTA Việt Nam với các Tiểu vương quốc Ả rập (UAE).
Trước bối cảnh xuất khẩu hàng hóa liên tục giảm sâu, xin Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương có giải pháp nào giúp doanh nghiệp cũng như các ngành hàng xuất khẩu lấy lại tăng trưởng cho năm 2023?
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc với từng doanh nghiệp, dự án, nhất là dự án lớn trên địa bàn.
Đặc biệt, rà soát tồn đọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành dự án có vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản… Việc này nhằm gia tăng năng lực sản xuất và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tổ chức kết nối giúp doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, tạo thị trường cho ngành công nghiệp phát triển.
Bộ Công Thương phối hợp với hiệp hội ngành hàng đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan để kết nối cung cầu, tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường xuất khẩu còn tiềm năng.
Liên quan tới tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, Bộ Công Thương sớm hoàn tất thủ tục đế tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel; tiếp tục đàm phán ký kết FTA với thị trường còn tiềm năng (UAE, Mercosur…).
Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho Sở Công Thương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị được Bộ ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O); cơ quan hải quan trung ương/địa phương.
Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), cho phép doanh nghiệp tự in C/O từ hệ thống eCoSys của Bộ Công Thương; đẩy mạnh việc khai báo, nộp hồ sơ C/O điện tử.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ thực hiện giải pháp phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Hơn nữa, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc; chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Đặc biệt, các đơn vị của Bộ Công Thương tăng cường phối hợp với hiệp hội ngành hàng trong thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp hội viên xúc tiến thương mại và tận dụng cơ hội từ FTA.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá tại thị trường trong nước thông qua xúc tiến thương mại, Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!